NIỀN VUI NHẤT LÀ SỐNG KHỎE VÀ LÀM ĐIỀU THIỆN

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2016

Ví dụ về thơ xướng-họa hợp cách


                Xướng-họa là một lối chơi thơ thù tạc của các thi hữu nho sinh, nho sĩ ngày xưa. Thể thơ nào cũng có thể xướng-họa được, nhưng do tâm lý “sùng nho, sùng Tầu” mà thể thơ “Bát cú Đường Luật” được sử dụng nhiều hơn cả. Còn một lý do nữa là thể thơ này khá hiểm hóc, dễ “nắn gân” và làm “đo ván” nhau. Cái tâm lý chơi thơ xướng-họa, nhưng ngầm ý là để thư tài nhau để xác định chiếu trên, chiếu dưới vẫn còn khá nặng nề trong các chiếu thơ Đường hiện nay. Ở sân chơi Tri Ân chưa thấy xuất hiện tâm lý này, nhưng đề phòng khả năng thiên hạ trông vào, người ta sẽ dè bỉu, lườm nguýt không hay, nên tốt nhất chúng ta nên làm thơ xướng-họa cho hợp cách. Vả lại muốn làm một bài thơ họa hợp cách cũng không khó khăn gì. Chỉ cần chúng ta đọc kỹ một ví dụ mẫu mực dưới đây là có thể gỡ ra. Đó là cuộc xướng-họa mang tính chất bút chiến giữa hai nhà nho Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị. Tôn Thọ Tường thì hàng Pháp còn Phan Văn Trị thì chống Pháp.
             Tôn phu nhân quy Thục
                                       BÀI XƯỚNG
Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng (1)
Ngàn năm rạng tiết gái Giang Đông (2)
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
Về Hán trau tria mảnh hồng (3)
Son phấn thà đem dày gió bụi
Đá vàng chi để thẹn non sông (4)
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
Thà mất lòng anh, đặng bụng chồng.(5)
                          Tôn Thọ Tường
                    BÀI HỌA
Cài trâm sửa trấp vẹn câu  tòng (1)
Mặt giã trời chiều biệt cõi đông (2)
Ngút tỏa vầng Ngô in sắc trắng
Duyên về đất Thục đượm mầu hồng (3)
Hai vai tơ tóc bền trời đất
Một gánh cương thường nặng núi sông (4)
Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết
Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng ! (5)
                            Phan Văn Trị
Chú ý:
-Các chữ in đậm là vần, các chữ in nghiêng là chữ áp vần
-Nguyên tắc đòi hỏi một bài họa phải trả đủ vần cho bài xướng, nhưng các chữ áp vần lại không được dùng lại các chữ áp vần của bài xướng. Trong bài họa của Phan Văn Trị ta thấy ông đã trả đủ 5 vần của Tôn Thọ Tường : tòng, đông, hồng, sông, chồng. nhưng các chữ áp vần của Tôn Thọ Tường là: chữ, giang, má, non, bụng. Còn các chữ áp vần của Phan Văn Trị lại là: câu, cõi, mầu, núi, thờ. Phải như vậy mới gọi là hợp cách.
-Cùng là họa vần nhưng cho phép người họa chọn một trong ba cách sau đây:
            1. Họa nguyên vận: Trả đủ vần và đúng thứ tự (1), (2), (3), (4), (5)
            2. Họa ngược vận: Trả đủ vần nhưng ngược thứ tự (5), (4), (3), (2), (1).
            3. Họa đảo vận: Trả đủ vần nhưng thứ tự đảo đi tùy ý người họa.
22/11/2011
Đỗ Đình Tuân

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016

Kể cho Bác nghe...

Chim Phi Xu
THÊM MỘT CÔ GIÁO LAM NỮA :
(Xin được chia sẻ bài viết của Bảo Trang)

KỂ CHO BÁC NGHE... CHUYỆN ĐẤT NƯỚC MÌNH

Biết hôm nay... là ngày sinh của Bác
Dân đang buồn... không thể hát Bác nghe !
Biển đang đau... nên rì rào khe khẽ
Không dạt dào như trước nữa Bác ơi !

Biển quê mình du khách chẳng dám bơi
Ngành du lịch sắp trong thời đóng cửa
Biển chết đi... kéo thêm nhiều thứ nữa
Thiếu muối, dầu... vật giá sẽ leo thang

Nghĩ trong lòng con cảm thấy hoang mang
Ở Miền Trung... ngàn người đang thất nghiệp
Những đứa trẻ cần phải đi học tiếp
Nhưng lấy gì để tiếp bước tương lai ?

Bút giấy thừa họ vẽ vượn, vẽ nai
Tăng vốn gấp hai... những công trình lạ
Những dự án treo... khi nào hiệu quả ?
Mặc dân nghèo... nhịn đói để trôi qua

Nghèo đứng đầu là dân tỉnh Sơn La
Bỏ chục "ha" xây tượng đài nghìn tỷ
Trong khi đó... trẻ em nghèo vốn dĩ
Bước tới trường... giống như khỉ đu dây

Riêng con thấy như vậy là lãng phí
Bởi sinh thời... Bác giản dị, đơn sơ
Yêu trẻ thơ, yêu đồng bào cơ nhỡ
Bác sẽ buồn... khi thấy họ khó khăn

Bác biết không có một nỗi bâng khuâng ?
Những thức ăn của dân mình Bác ạ !
Nào thịt, cá, rau, tôm... đầy chất lạ
Họ giết mình bằng hóa chất khắp nơi

Cá bây giờ chết trắng ở ngoài khơi
Con sợ nay mai dân mình cũng thế !
Bởi giặc ngoài đề phòng thì rất dễ
Riêng giặc trong nhà đâu dễ đấu tranh

Họ dùng tiền để thăng chức, mua danh
Nên xung quanh luôn có người bao bọc
Lời Bác dạy: " nên lấy dân làm gốc"
Họ bây giờ... chẳng nhớ gốc Bác ơi !

Bác linh thiêng đang ngự ở trên trời
Mách bảo chúng con những lời công lý
Giúp cho dân có cùng thêm ý chí
Đánh đuổi giặc ngoài giữ lấy biển Đông

Để xứng với danh "con Lạc cháu Hồng"
Cứu non sông như thời Vua lập quốc
Loại bỏ những sâu đang còn ẩn nấp
Đất nước mình lại tràn ngập niềm vui..!!!


BẢO TRANG (19.05.16).


Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2016

Thơ Trần Thị Lam


KHÓI LỜI

Tiếng đã cất lên ắt hẳn có người nghe
Không vương lại người trước ta gửi người sau vậy
Gửi một lời đi như gửi niềm tin cậy
Để tiếng có thể vang lên trong thế giới không lời.


Lời bay ra thành khói giữa đất trời
Nếu không có ai nghe ta gửi cho chim ca và sông chảy
Gió sẽ mang lời đi dù xa xôi đến mấy
Và tiếng sẽ vang lên trong thế giới không lời.

Thì cứ cất tiếng đi dù chỉ nhận trên môi
Vị đắng của thinh không khiến nhiều khi lạc giọng
Còn hơn nuốt những buồn đau vào cuống họng
Rồi tiếng sẽ vang lên trong thế giới không lời.

Hãy nói một lời cho những ngày đã qua!
Hãy nói một lời cho những ngày sắp tới!
Hãy nói một lời để biết còn tiếng nói!
Dù tiếng có vang lên trong thế giới không lời...

Trần Thị Lam

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

SUNG SƯỚNG VÌ ‘ĐƯỢC’ MẮC LỪA

* Gs. NGUYỄN ĐÌNH CỐNG
I-BỊ LỪA HAY ĐƯỢC MẮC LỪA
Thông thường mắc lừa là “ bị” chứ không thể “được” và khi phát hiện ra bị mắc lừa thì đau khổ, tức giận, hối tiếc rồi rút bài học, rút kinh nghiệm để khôn ra chứ không thể sung sướng . Thế mà lại có chuyện sung sướng vì được mắc lừa mới oái oăm chứ. Tất nhiên người ta không reo mừng rằng tôi sướng quá vì được mắc lừa đây, chỉ thể hiện  bằng cách khác mà người ngoài đoán ra được.
Tại sao bị lừa mà vẫn tỏ ra sung sướng, có thể do 1 trong 2 nguyên nhân sau : 1- Vì kém thông minh ( nói đúng ra là vì ngu dốt ) mà nhận thức nhầm, trong một thời gian cứ tưởng rồi sẽ được lợi gì đó, không biết đã bị lừa.  2-Biết  bị lừa,  nhưng vì đã thông đồng với kẻ lừa để hưởng một món lợi nào đó hoặc vì biết mình quá ngu mà bị lừa nhưng đã quá huyênh hoang nên tìm cách che giấu hoặc tìm cách lừa dối người khác để trốn tội.
Xét trong chiều dài lịch sử, bọn phong kiến Trung hoa đã nhiều lần lừa vua quan Việt, trong đó chỉ một số ít lần người của ta bị mắc , còn phần lớn nhờ cảnh giác cao mà tránh được. Chỉ có dưới thời thống trị của Đảng CS, lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đã bị lừa trong rất nhiều chuyện mà vẫn cứ sung sướng nhắc đi nhắc lại mỗi khi có dịp.
I- CSVN ĐÃ BỊ CSTQ LỪA RẤT NHIỀU, CHỈ XIN NÊU VÀI CHUYỆN
1-Từ năm 1941 đến 1946 Hồ Chí Minh rất muốn kết bạn với Mỹ. Chuyện này nhiều người đã biết, nay kể thêm: Ngày 2 /9/1945, tại quảng trường Ba Đình, sau khi Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập thì trong diễn văn tiếp theo Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Mỹ là nước dân chủ, không có tham vọng về đất đai mà lại có công nhất trong việc đánh bại kẻ thù của ta  nên ta coi Mỹ như một người bạn tốt”. Nhưng rồi từ 1949 CS VN bị Mao Trạch Đông lừa, cho rằng đế quốc Mỹ là kẻ thù của giai cấp vô sản toàn thế giới, kẻ thù số 1 của phe XHCN. Việt Nam có vinh dự là tiền đồn phe XHCN, là người lính xung kích chống đế quốc. Trung cộng sẽ giúp Việt Nam đánh Mỹ đến người Việt cuối cùng. Và rồi Lê Duẩn sung sướng công nhận VN đánh Mỹ là đánh cho cả Liên xô và Trung quốc. Bây giờ mới tỉnh ngộ ra là Mỹ chỉ muốn ngăn chặn làn sóng cộng sản từ Liên xô và Trung quốc chứ không hề có ý đồ xâm lược nước nào. Biết ra thì đã quá muộn nhưng vẫn không dám công nhận, vẫn tuyên bố là rất tự hào đã làm người lính xung kích chống đế quốc.
2- Năm 1958 Chu Ân Lai ra tuyên bố  về quyền lãnh hải của Trung Quốc bao trùm một phần lớn Biển Đông. Bản tuyên bố này bị nhiều nước phản đối. Chỉ có Phạm Văn Đồng và cả Hồ Chí Minh bị lừa để ra Công hàm 1958, gián tiếp công nhận nhiều đảo ở biển Đông là  của Trung quốc. Năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm  Hoàng Sa.  ĐCSVN  sung sướng vì Trung Quốc đã lấy được các đảo từ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, cho rằng để TQ giữ  các đảo đó tốt hơn so với việc chúng do chính quyền Việt Nam cộng hòa kiểm soát.
3- Thời gian trước năm 1979 ĐCSVN bị Trung cộng lừa tôn thờ tư tưởng Mao Trạch Đông, sung sướng cho rằng được theo Mao để chống đế quốc và bọn xét lại là hạnh phúc lớn . Cũng chính  vì mắc lừa  ĐCS TQ mà  đã gây nên thảm họa đàn áp không biết bao nhiêu người ưu tú ( vụ án chống đảng do Lê Duẩn , Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn tạo dựng ). Sau năm 1990 bị lừa ở Hội nghị Thành Đô, ký kết 16 chữ vàng và 4 tốt, tôn sùng ĐCS Trung Quốc là lãnh đạo, là thành trì của CM vô sản thế giới, sung sướng cho rằng còn Trung quốc XHCN thì VN không còn lo gì hết, sung sướng và tự hào rằng ngọn cờ tiên phong của cách mạng vô sản thế giới đã chuyển vào tay của ĐCS Trung quốc và Việt Nam. Thực chất thì Trung cộng lừa cho Việt cộng kiên trì đường lối XHCN để dễ bề thôn tính.
II-PHÂN TÍCH VÀI ĐIỀU GẦN ĐÂY
 1-Trong Hiệp định và tuyên bố chung có điều sau :  “Hai bên cam kết không liên kết với nước khác để chống lại nước thứ ba”. Đó là điều lừa dối vô cùng xảo quyệt của Trung cộng mà mỗi lần có dịp là các lãnh đạo Việt Nam lại nêu ra với đầy vẻ tự hào.
Hãy phân tích thật kỹ xem câu “Hai bên cam kết không liên kết với nước khác để chống nước thứ ba” có những ý nghĩa gì. Nước khác là nước nào, nước thứ ba là nước nào. Có khả năng xẩy ra nước thứ ba chính là Việt nam , là Trung quốc hoặc một nước thân cận của hai nước trên hay không. Không có một qui ước nào loại trừ khả năng đó. Vậy nếu xấy ra như vậy thì sao. Mà sự tranh chấp ở Biển Đông vừa qua và sắp tới có khả năng xẩy ra như thế.
Giả thử xẩy ra tranh chấp giữa Trung và Việt đến mức dùng vũ lực. Với sức mạnh của mình  thì Trung quốc cần gì liên kết với nước khác để chống nước thứ ba là Việt nam. Ngược lại, Việt nam, dù là để tự vệ, dù để chống lại sự xâm lược phi nghĩa của Trung quốc thì rất cần sự liên kết với nước khác cùng chí hướng, cùng mục tiêu ( ngoài việc nhận sự cổ vũ chỉ bằng mồm của nhiều nước yêu hòa bình ). Lúc này, nếu VN nhận sự viện trợ quân sự của một nước nào đó thì rõ ràng là đã vi phạm cam kết, Trung quốc có cớ để lên án như đã từng viết khẩu hiệu và tuyên truyền “ Việt nam ăn cháo đái bát” và gây chiến tranh biên giới năm 1979 để dạy cho VN một bài học. Còn nếu VN sợ bị vi phạm vào cam kết mà không thể liên kết với nước khác thì rõ ràng là đã tự trói mình để chịu lâm vào thế nguy hiểm.
Điều quan trọng, có ý nghĩa là :” Hai nước cam kết không gây hấn, không lấn chiếm đất và biển của nước khác” thì không viết, lại viết “ Cam kết không liên kết với nước khác…”. Bất kỳ một người nào có suy nghĩ đều dễ nhận ra ý đồ lừa bịp, chỉ có những lãnh đạo cộng sản VN là không thấy hoặc có thấy nhưng vì lý do nào đó mà cứ đưa ra để khoe khoang, để tự sướng. Xem lại lịch sử, sứ thần của các triều đại trước khi đi sứ Thiên triều không có ai bị mắc lừa như vậy.
2-Điều khác : “ Hai bên cam kết giải quyết mọi tranh chấp bằng thương lượng hòa bình mà không đe dọa dùng vũ lực”. Điều này là đúng nhưng chưa đủ. Nếu xẩy ra tranh chấp, một bên đòi thương lượng hòa bình nhưng bên kia không chịu , hoặc thương lượng không đi đến kết quả thì giải quyết như thế nào. Theo các hợp đồng dân sự, khi hai bên không tự thỏa thuận được với nhau thì phải đưa tranh chấp ra xét xử ở một tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Điều này phải được ghi rõ trong hợp đồng. Vậy quan hệ giữa 2 nước Việt- Trung thì sao. Phải chăng là không sao cả, trông chờ vào đại lượng của Thiên triều.
Trong Lời kêu gọi  vào tháng 12 năm 1946 Hồ Chủ tịch viết : Chúng ta muốn hoà bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Còn hiện nay.  Cứ mỗi lần Trung quốc lấn chiếm hoặc gây sự thì từ phía VN chỉ có người phát ngôn Bộ Ngoại giao ra tuyên bố phản đối và yêu cầu đừng tiếp tục, lại huyênh hoang là tôn trọng hòa bình và luật pháp quốc tế, còn Chính phủ và Quốc hội thì quyết giữ phương châm “ Im lặng là vàng”. Thế rồi Trung quốc cứ lấn, Việt Nam cứ lùi, vừa lùi vừa tuyên bố. Phải chăng chúng ta muốn hòa bình nên năm 1988 để cho 64 chiến sĩ trên đảo Gạc ma khoanh tay chịu sự thảm sát của lính Trung cộng, để cho tàu ngư dân bị bọn lạ đâm chìm mà không dám chống cự, để cho hết hòn đảo này đến hòn đảo khác lọt vào tay Trung cộng. Cùng bị lấn chiếm biển đảo, Philipin bị ít hơn nhưng họ kiên quyết kiện ra Tòa án Quốc tế sau khi TQ không chịu thương lượng. Còn chúng ta, chỉ thấy tuyên bố của Bộ Ngoại giao. Phải chăng trong việc này lãnh đạo VN cũng sung sướng vì được mắc lừa.
3-Chuyện gần đây. Trước khi xẩy ra thảm họa Biển Miền Trung từ tháng 4/ 2016, nhiều lần qua báo chí và về Hà tĩnh tôi được nghe ca ngợi hết lời về khu công nghiệp Vũng Áng và những mối lợi to lớn do Formosa hứa hẹn mang lại. Bây giờ mới vỡ lẽ đang mắc lừa, đang không phải ở mức “ ngậm bồ hòn làm ngọt” mà là dùng độc dược để giải khát. Bị mắc lừa rồi nhưng không dám nhận mà đang tìm cách quanh co để bao che, phải chăng để tiếp tục hưởng sự sung sướng và đi lừa lại người khác.
III-ĐẾN LƯỢT  CSVN LỪA NHÂN DÂN
Việc lãnh đạo CS và dân VN bị Tàu chệt lừa thì viết vài quyển sách dày để dẫn chứng và phân tích e cũng chưa hết, trên đây chỉ mới nêu ra một phần rất nhỏ. Người ta bảo, sau khi biết bị lừa thì sẽ thu được bài học quý giá mà khôn ra, thế nhưng mãi mà chả thấy CSVN  khôn ra được tí nào. Không những thế, sau khi bị lừa, một số lãnh đạo CS còn mang những điều đó lừa lại nhân dân. Hay biết đâu, CSVN không cho rằng họ bị lừa mà thực chất họ muốn như vậy, muốn làm tay sai đắc lực cho CSTQ, muốn đem đất nước này lệ thuộc vào CSTQ để tạo nên một thời kỳ bắc thuộc mới. Thảm thương thay cho một số khá đông trong dân tộc VN mấy chục năm bị lừa mà vẫn sung sướng, vẫn tự hào vì nhận được sự lừa gạt đó, vẫn tưởng rằng đang được hưởng một nền dân chủ đến thế là cùng, đang được dẫn dắt đến thiên đường nơi hạ giới. Có một số ít người nhận thức được, nói ra điều bị lừa thì lại bị vu cáo, bị đàn áp. Biện pháp để tránh bị mắc lừa là nâng cao dân trí, chống lại sự u mê và nhồi sọ, mở mang sự tiếp xúc với xã hội văn minh. Điều đáng mừng là một số  dân Việt đã nhận ra và đang đi theo hướng đó.
NĐC
-----------

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

CHÙM THƠ NGÀY TAN VỠ


Bùi Hoàng Tám
Thứ hai ngày 31 tháng 5 năm 2010 1:44 PM
 
TNc: Ngày li hôn, trước tòa, người ta thường tranh con, tranh của, kể xấu về nhau, đổ lỗi cho nhau và không ít trường hợp còn “một mất, một còn”. Thế nhưng với Bùi Hoàng Tám, anh đã tặng vợ bài “Thơ cho em trước phiên tòa” với mong muốn rằng thôi, ta không ở được với nhau, cuộc tình này đã đến hồi kết, cầu cho em đến bến bến bờ mới hạnh phúc và vẫn còn giữ được cho mình niềm đam mê thủa nào: Mong em về với bến người - Trái tim vẫn đập nhịp thời đam mê.
Ngày vợ cũ đi lấy chồng, mời đi ăn cưới, nhà thơ rủ cả vợ mới cùng đi. Và trong cái đám cưới vui đến bất ngờ ấy, khi “Mọi người tranh nhau hát - Mình cũng lên đọc thơ”.
Rồi ngày sinh nhật vợ, vợ mời chồng cũ đến nhà. Anh đã ra tận nhà ga đón chồng cũ của vợ về nhà để rồi lúc chia tay, xót xa nghĩ chẳng biết những lần sinh nhật sau của vợ, liệu có còn để gặp nhau trong đời vì tất cả đều không còn trẻ nữa?
Không biết đó là sự thật của cuộc đời mình hay chỉ là ước mong của nhà thơ với thông điệp trước sự đổ vỡ, con người hãy nhân ái với nhau vì cuộc đời vốn ngắn ngủi và quá nhiều đau khổ.
Trannhuong.com xin giới thiệu chùm thơ đặc sắc của Nhà thơ Bùi Hoàng Tám về cách hành xử đáng suy nghĩ này.
Thơ cho em trước ngưỡng cửa tòa
Cũng đành em ạ. Từ nay...
Tình ta đã đến thế này. Thì thôi!
Dẫu không đi hết một đời
Đã cho nhau cả một trời đam mê
Đã từng quên cả nẻo về
Đã từng tan nát tái tê đường chiều...
Xin đừng trách trái tim yêu
Tâm hồn thi sĩ vốn nhiều nỗi đau
Cũng đừng hò hẹn kiếp sau
Kìa em.. nước dưới chân cầu vẫn trôi!
Mong em về với bến người
Trái tim vẫn đập nhịp thời đam mê.
Đi ăn cưới vợ cũ
Vợ cũ đi lấy chồng
Mời mình về ăn cưới
Mình bàn với vợ mới
Có đi không vợ ơi!
Vợ mới cười rất tươi
“Chị mời thì nên đến
Hai chúng mình cùng đi
Để tỏ tình thân mến!”
Vợ cũ mặc rất đẹp
Nhìn thấy chạy đến chào
Chồng mới của vợ cũ
Ra tận nơi đón vào
Ôi cuộc tình rổ rá
Mà cưới vui bất ngờ
Mọi người tranh nhau hát
Mình cũng lên đọc thơ
Trong làn khói lơ mơ
Ghé tai mình hỏi vợ
”Nếu cuộc tình này vỡ
Mình có mời anh không?”
Nhậu với chồng cũ của vợ
Vợ mừng ngày sinh nhật
Mời chồng cũ đến nhà
Chồng cũ đi tầu hỏa
Mình đón ở nhà ga
Vì đường về hơi xa
Hai đứa vào quán nhậu
Trước còn anh với tôi
Sau thành tớ với cậu
Đi đón từ tinh mơ
Về nhà trời sâm sẩm
Hai đứa đổ xuống giường
Rồi ngáy vang như sấm
Sáng mai vợ dậy sớm
Tiến chồng cũ lại nhà
Vợ ôm rất nhiều túi
Trong túi rất nhiều quà
Cái này cho các cháu
Cái này biếu ông bà
Còn cái này em gửi
Cho dì hai dưới nhà
Tầu dần dần rời ga
Mắt vợ ầng ậng lệ
Sống mũi mình cay cay
Muốn nói mà không thể
Ôi cuộc đời dâu bể
Ôi mỏng manh kiếp người
Lần sau, lần sau liệu
Còn có nhau trong đời!

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

Lá số của Obama

Lá số tử vi Obama: Nhân định thắng thiên

29/05/2016 08:58:41
Theo giấy khai sinh được Obama công bố, ông sinh tại tiểu bang Hawaii (Mỹ) ngày 4/8/1961, lúc 7:24 tối; tức là giờ Tuất, ngày 23/6 năm Tân Sửu
Với phép Dịch lý, mọi sự ở đời trong thông lệ còn có biệt lệ, trong lẽ thường còn có sự khác thường. Lá số của Obama quả thật khác thường, biến ảo một cách kỳ lạ. Ông xuất thân bình dân từ khốn khó, không phải con dòng cháu giống, lá số cũng không có Đế cách mà ta thường thấy, nhưng lại là Tổng thống da đen gốc Phi đầu tiên của nước Mỹ. Với cách số này, nếu không sống trong xã hội Mỹ, ông có thể trở thành một luật sư tài ba, một nhà hoạt động xã hội hay tư vấn doanh nghiệp có tầm cỡ, cũng có thể là một doanh thương cự phú từ tài năng và chất xám của mình. Chính môi trường chính trị cạnh tranh bình đẳng và tự do của nước Mỹ đã kiến tạo và tìm chọn được một Obama – Tổng thống. Đó cũng chính là chữ “thời” quyết định và có ý nghĩa nhất trong cuộc đời ông, như ta thường nói “thời thế tạo anh hùng” vậy !
Người tuổi Tân Sửu, có can Tân (âm Kim) được chi Sửu (âm Thổ) tương sinh là tốt. Người mệnh Thổ, trong thế “Cục” Hỏa lại càng thuận; Hỏa sinh Thổ – môi trường và bối cảnh sống phù trợ cho bản mệnh. Cung mệnh Vô chính diệu, đóng tại Dậu (âm Kim) mệnh Thổ phải sinh xuất, nhưng vẫn hàm nghĩa tương sinh, ấy là được “địa lợi”. Tam hợp chính Mệnh – Quan Lộc – Tài Bạch là tam hợp Kim, lại chính là Tam hợp Thái tuế, ấy là đắc “thiên thời”. Tuy nhiên, trong thế mệnh phải sinh xuất, nên nếu biết thuận thiên, cống hiến cả cuộc đời vì nhân quần, vì cộng đồng mà không nghĩ đến bản thân thì sẽ có thành tựu to lớn, lưu danh thiên cổ. Còn nếu vị kỷ bất thiện, lòng chứa tà tâm thì cách số này lại là bi kịch, phải chịu hậu quả to lớn và báo ứng nhãn tiền – đó chính là các chỉ báo từ phần “nhân hòa” mà ta sẽ xét dưới đây.
Nhắc đến cách số Vô chính diệu, sách nói: “phi bần, tắc yểu, tam vô tự” (không nghèo thì yểu, hoặc không có con trai nối dõi). Obama chỉ có 2 cô con gái mà không có con trai, với quan niệm của người phương Đông xưa, ấy chính là “vô tự”. Cuộc đời của người Vô chính diệu thường không bình lặng, nhiều bất ổn. Nếu có thành tựu thì ấy là kết quả của những nỗ lực lớn lao, với ý chí và tài năng đặc biệt khác người. Tuy vô chính diệu, nhưng lá số đắc cách ở chỗ có Bạch Hổ đắc địa tại cung Kim làm nòng cốt, gọi là cách: “Bạch Hổ khiếu tây phương” (Hổ trắng gầm ở chính Tây). Đây là cách số quyền uy, chí khí, quyết đoán, dám làm dám chịu đến cùng, bất chấp mọi trở ngại nếu cho rằng điều mình làm là đúng đắn. Điều này chỉ đúng với người mệnh Kim, mệnh Thổ (tương sinh với cung Dậu và sao Bạch Hổ hành Kim); còn những người chẳng may có mệnh khác, nhất là mệnh Mộc thì lại hay gặp khốn khó và tai họa cả đời.
Obama may mắn có được vòng Đại vận thuận với người mệnh Thổ. Hai đại vận đến khi trưởng thành (25 tuổi) ở các cung Dậu, Thân (đều thuộc Kim), mệnh Thổ phải sinh xuất, tuy vất vả nhưng vẫn là thuận. Ông có tuổi thơ không bình lặng và phải tự lập. Cha mẹ li hôn, ông phải sống và học tập ở nhiều nơi: Hawaii, Jakarta rồi mới đến Hoa Kỳ để học đại học ở Los Angeles (năm 18 tuổi) và NewYork (năm 20 tuổi). Do học giỏi và ham hoạt động cộng đồng, ông thường nhận được học bổng, nhờ thế mà tự lập toan lo được cuộc sống sinh viên của mình. Đến đại vận kế tiếp (26- 35 tuổi) ở cung Mùi (âm Thổ) hợp mệnh, ông có nhiều điều kiện để vững vàng hơn trong sự nghiệp và học vấn: tốt nghiệp Viện đại học Columbia và trường Luật viện Đại học Harvard, làm Chủ tịch Harvard Law Review với nhiều cống hiến xuất sắc cho cộng đồng, nhất là người da màu. Trong hơn 10 năm (1992- 2004) ông vừa làm luật sư, vừa giảng dạy đại học và là Thượng nghị sĩ tiểu bang. Tiếp đến đại vận 36- 45 tuổi ở cung Ngọ (dương Hỏa), trong tam hợp Hỏa (Dần – Ngọ – Tuất) đều sinh mệnh Thổ; với bộ Sát – Phá – Tham dũng mãnh trợ lực cho Bạch Hổ tại mệnh. Được thuận cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa, đây là thời kỳ hoạt động chính trị sôi nổi và thăng hoa nhất, là tiền đề vững chắc cho cương vị Tổng thống sau này của ông. Điểm mạnh của ông nằm ở trí tuệ xuất chúng, tầm nhìn sắc sảo và khả năng thuyết trình, tài hùng biện tuyệt vời như là một thiên bẩm trời ban.

“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”

Với ước muốn kinh bang tế thế của người Thái Tuế, lại được đủ bộ Ấn Quang- Thiên Quý và bộ Tứ Linh (Thanh Long, Bạch Hổ, Phượng Các, Hoa Cái) , Obama được ơn trên phù trợ, nhưng khả năng và trí tuệ thực tế của bản thân ông mới là điều đáng nể. Với đủ bộ Tả Phù- Hữu Bật đắc cách tại mệnh, thêm Hóa Quyền ở cung Quan Lộc, cung Nô Bộc quá tốt (Tham Lang đắc địa hội Hóa Khoa, Thiên Khôi, Văn Khúc, Thiên Hình) ông có bộ máy vận động tranh cử đắc lực và hữu hiệu, có phương pháp khoa học và mưu trí để chiến thắng. Vì cung Mệnh đắc song Lộc (Hóa Lộc, Lộc Tồn), ông rất có duyên với tiền bạc, rất dễ vận động tài chính. Ở Mỹ, thiếu tiền bạc thì không thể làm chuyện lớn, và hàng trăm triệu USD quyên góp khắp nơi đổ về Quỹ tranh cử của Obama đã là một thực tế minh chứng cho điều này. Nhiệm kỳ đầu tiên, ông đánh bại ứng cử viên Cộng Hòa Jon McCain khá dễ dàng cũng bởi trong lá số của ông, mệnh cung ở Dậu (Kim), trong tam hợp Kim (Tỵ- Dậu- Sửu), với Bạch Hổ (Kim) làm nòng cốt, đã khắc thắng phía đối địch ở cung Mão (Mộc) của tam hợp Mộc (Hợi – Mão- Mùi), với các sao Thiên Cơ, Tang Môn cũng thuộc hành Mộc. Năm tranh cử 2008 (Mậu Tý), tiểu vận ở cung Ngọ, với sức mạnh của bộ Sát- Phá- Tham đắc cách nhất với người mệnh Thổ, ông đã hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi nhất và biết triệt để khai thác nó.
Lá số của Obama là đặc thù của cách số “bạch thủ dựng cơ đồ”. Nhưng nếu không biết tiết chế ham vọng bản thân, chỉ toan tính và hành xử bất thiện với đời thì nguy cơ và tai họa luôn kề cận, luôn có kẻ phá ngang, chống đối. Cũng may mà Obama đã không mắc phải cái bệnh thường thấy của kẻ có quyền lực tối thượng. Một lần nữa, câu “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” của cụ Nguyễn Du lại ứng hiện chính trong trường hợp này, nhất là khi xét kỹ cung an Thân của ông.
Toàn bộ 2 nhiệm kỳ Tổng thống của Obama nằm trọn trong Đại vận từ 46-55 tuổi, ở cung Tỵ (âm Hỏa) sinh mệnh Thổ, trong tam hợp Kim (Tỵ- Dậu- Sửu) mệnh phải sinh xuất. Vậy là được cả thiên thời, địa lợi tuy phải hao tâm, tổn sức, luôn phải chịu thử thách và cả nguy hiểm chực chờ. Đây cũng chính là cung an Thân, quyết định hậu vận cuộc đời ông. Sách nói: “Mệnh là Thể, Thân là Dụng”, Obama quả là đã biết “Dụng” triệt để phần “Thể” của mình nhờ lý tính ôn lương, trí tuệ và thiện tâm của sao Thiên Lương đóng ở cung an Thân. Nếu không, với bộ Tuần- Triệt ngáng trở và bộ Không- Kiếp bất an tại Mệnh, sự nghiệp của ông sẽ gặp nhiều thử thách ghê gớm, thậm chí có thể nửa đường gãy gánh! Nhưng ông đã vượt qua tất cả, làm được nhiều việc lớn cho nước Mỹ và cả thế giới. Với khẩu hiệu “Change We Need” (sự thay đổi chúng ta cần), ông đã truyền được sự phấn khích và hy vọng cho người dân vào tương lai của nước Mỹ. Thay đổi chính là phép biến Dịch, chỉ có luôn thay đổi mới làm nên sức sống cho muôn loài. Nhưng trong chuyện hợp tác, chỉ một bàn tay không thể vỗ thành tiếng, sự thay đổi cần sự đồng tâm và thực lòng của cả hai phía. Với chính giới Hoa Kỳ, cách nhìn nhận vấn đề và quan hệ với Việt Nam gần đây ngày càng biến chuyển tích cực, như câu lẩy Kiều của Phó Tổng thống Joe Biden: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”. “Hoa tàn mà lại thêm tươi/ Trăng tàn mà lại hơn mười Rằm xưa” là câu tiếp theo, cũng là ước vọng và ý nghĩa “bĩ cực thái lai” trong văn hóa tự ngàn xưa của người Việt.

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

Diễn văn Obama (bản dịch không bị cắt bỏ)

Toàn văn bài phát biểu (không bị cắt bỏ) của tổng thống Obama tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia
Toàn văn bài phát biểu (không bị cắt bỏ) của tổng thống Obama tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia
Nhiều bản dịch về bài phát biểu của tổng thống Obama tại tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình vào sáng 24.5 vừa qua đã bị cắt xén, nhất là những bản dịch được đăng trên báo chính thống của nhà nước. Các đoạn cắt xén là những đoạn ông Obama đề cập đến vấn đề nhân quyền. Bản dịch đầy đủ này của cự tù nhân lương tâm Phaolô Trần MInh Nhật được đăng trên tinmungchonguoingheo.com, xin được giới thiệu đến các bạn.
Xin cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho chúng tôi sự chào đón nồng nhiệt và hiếu khách trong chuyến thăm này. Xin cảm ơn các bạn có mặt ở đây ngày hôm nay, những người Việt Nam đến từ khắp đất nước, trong đó có những người trẻ đại diện cho sự năng động, tài năng và niềm hi vọng của người dân Việt Nam.
Trong chuyến thăm này, sự thân thiện của các bạn đã chạm tới trái tim của chúng tôi. Nhiều người vẫy tay chào tôi bên đường, làm tôi cảm thấy được tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Hôm qua tôi đến thăm phố cổ nổi tiếng của Hà Nội và được ăn bún chả rất ngon, uống bia Hà Nội. Đường phố thật đông đúc, tôi chưa bao giờ thấy nhiều xe máy như vậy trong đời mình. Tôi chưa thử qua đường, nhưng có lẽ sau này có dịp trở lại Việt Nam, các bạn sẽ chỉ cho tôi cách qua đường như thế nào.
Tôi không phải Tổng thống Mỹ đầu tiên đến Việt Nam trong những năm gần đây, nhưng tôi là tổng thống đầu tiên – cũng như các bạn – trưởng thành sau cuộc chiến tranh Việt Nam.
Khi lực lượng quân sự Mỹ rời Việt Nam lúc đó tôi 13 tuổi. Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với người Việt Nam là ở Hawaii, nơi tôi lớn lên. Tôi đã gặp một số người Mỹ gốc Việt ở đó, nhiều người còn trẻ hơn tôi. Nhiều người trẻ Việt Nam, cũng như hai con gái tôi, khi sinh ra chỉ biết đến hòa bình và tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Khi đến đây tôi ý thức về quá khứ, ý thức về một lịch sử khó khăn, nhưng chúng ta hướng về tương lai, sự thịnh vượng, an ninh và phẩm giá con người để chúng ta có thể thăng tiến lẫn nhau.
Tôi cũng trân trọng quá khứ lịch sử rất huy hoàng của Việt Nam. Hàng nghìn năm, Việt Nam đã trồng cấy trên mảnh đất này. Chúng ta đã có lịch sử trống đồng Đông Sơn. Hà Nội đã đứng vững trên dòng sông Hồng hơn một nghìn năm. Thế giới đều biết đến lụa và những bức tranh của Việt Nam và Văn Miếu là khẳng định về tri thức của Việt Nam. Sau nhiều thế kỷ, vận mệnh của Việt Nam đã bị nhiều nước can thiệp, nhưng tinh thần bất khuất của người Việt Nam cũng giống như cây tre như Lý Thường Kiệt đã ghi lại: Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành đã định tại sách trời.
Hôm nay chúng ta cũng nhớ tới lịch sử dài hơn giữa người Việt và người Mỹ mà chúng ta có thể bỏ quên. 200 năm trước, khi Đấng Lập Quốc Thomas Jerferson của chúng tôi nói những người Mỹ đi tìm kiếm giống lúa gạo cho nông trại của mình và người nói đến Việt Nam, nơi nổi danh với giống gạo trắng, ngon, năng suất rất cao. Tiếp đó, những con thuyền đã đến Việt Nam buôn bán. Trong thế chiến II, người Mỹ đã tới hỗ trợ người Việt kháng chiến chống lại sự xâm chiếm.
Khi những phi công Mỹ bị bắn rơi, người Việt Nam đã giúp đỡ họ. Vào ngày tuyên bố độc lập của Việt Nam, đám đông đã tập trung trên những con đường của thành phố này và Hồ Chí Minh đã trích Tuyên Ngôn Độc Lập của Mỹ, rằng mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng và Tạo Hóa đã ban cho họ thụ hưởng các quyền bất khả xâm phạm trong đó có quyền sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Vào một thời điểm khác, việc theo đuổi những lý tưởng chung và lịch sử chung trong việc đánh đuổi thực dân đáng nhẽ ra đã đưa chúng ta xích lại gần nhau. Tuy nhiên thay vào đó Chiến Tranh Lạnh và nỗi lo sợ với chủ nghĩa cộng sản đã đẩy chúng ta đến một cuộc xung đột và sự phức tạp xuyên suốt lịch sử nhân loại làm chúng ta lần nữa đã nhận thức được sự thật đau đớn hơn rằng: chiến tranh dù cho với ý định nào đi nữa đều mang lại sự đau đớn và bi kịch cho người dân của chúng ta.
Trong các nghĩa trang quân đội gần đây hay trên bàn thờ của các gia đình Việt Nam chứa đựng đầy những nỗi đau. Có khoảng 3 triệu người Việt Nam, dân thường và binh sĩ ở cả hai phía, đã mất đi. Trên Bức Tường Tưởng Niệm Chiến Tranh ở Washington, người ta có thể chạm vào tên của 58.315 binh sĩ vĩnh viễn không trở về ở cả hai nước nơi các cựu binh và gia quyến của bên thất trận vẫn còn đau đớn vì bạn bè và người thân yêu của họ đã mất mạng. Chúng tôi những người ở Mỹ học được rằng ngay cả khi chúng ta bất đồng về cuộc chiến, chúng ta vẫn phải luôn tôn trọng những người đã ngã xuống vì đất nước, và chào đón họ trở về với niềm kính trọng mà họ xứng đáng được có. Chúng ta người Mỹ – Việt có thể tham gia với nhau ở đây và thừa nhận nỗi đau và hi sinh của cả hai phía.
Trong hai thập nhiên gần đây Việt Nam đã đạt được những tiến bộ to lớn và ngày hôm nay thế giới có thể nhìn thấy những bước tiến mạnh trong cải cách kinh tế trong các thỏa thuận thương mại bao gồm cả với Hoa Kỳ. Các bạn đã hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Bán hàng hóa trên toàn thế giới. Có nhiều hơn các nhà đầu tư bên ngoài đang đến và có trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Châu Á. Việt Nam đã tiến tới quốc gia có thu nhập trung bình. Chúng tôi nhìn thấy sự tiến bộ của các bạn qua các tòa nhà chọc trời và sự nhộn nhịp ở hai thành phố lớn với các trung tâm thương mại lớn.
Trên bản đồ vệ tinh chúng tôi nhìn thấy có không gian và một thế hệ mới của các công ty khởi nghiệp và điều hành các doanh nghiệp. Chúng tôi nhìn thấy sự tăng trưởng nơi hàng chục triệu người kết nối với nhau qua mạng facebook, Instagram. Không phải chỉ để post các bức ảnh “tự sướng” mặc dù tôi nghe nhiều người làm điều đó và có nhiều người cũng đã mời tôi cùng chụp ảnh, nhưng còn có nhiều người chia sẻ những chính nghĩa mà họ quan tâm như chiến dịch bảo vệ các cây đại thụ. Những sự năng động này tạo ra sự tiến bộ thực sự trong cuộc sống của người dân ở Việt Nam công tác giảm nghèo đã đạt được những thành quả lớn. Sự tiến bộ này nâng cao thu nhập gia đình và đưa nhiều gia đình vào tầng lớp trung lưu đang lên của xã hội. Nghèo đói, bệnh tật, và xâm phạm quyền phụ nữ và trẻ em đã giảm hẳn. Số người được sử dụng nước sạch và điện gia tăng. Trẻ em nam nữ đang tuổi đi học và tỉ lệ biết chữ đã tiến triển.
Đây là sự tiến bộ phi thường các bạn đạt được chỉ trong thời gian ngắn. Và Việt Nam đã thay đổi, đồng nghĩa mối quan hệ giữa hai quốc gia cũng thay đổi. Chúng ta học được nhiều bài học tốt hơn qua đối thoại chân thành. Cả hai phía sẵn sàng thay đổi. bằng cách này cuộc chiến đã chia rẽ chúng ta lại trở thành nguồn chữa lành. Nó cho phép chúng ta chịu trách nhiệm tìm kiếm người mất tích và cuối cùng đưa họ về nước, cho phép chúng tôi giúp đỡ gỡ bỏ những bãi mìn còn chưa nổ. Trẻ con không thể nào bị mất chân bởi những bãi mìn này.
Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ trẻ em khuyết tật và cũng giúp loại bỏ chất độc màu da cam. Vì thế Việt Nam có thể thu lợi nhiều hơn từ đất đai mình. Chúng tôi tự hào vì những công việc chúng ta đã phối hợp với nhau tại Đà Nẵng và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ ở sân bay Biên Hòa. Chúng ta cũng không quên rằng quá trình hòa giải của hai nước chúng ta được thúc đẩy bởi các cựu binh đã từng đối mặt với nhau và nay quay lại với nhau. Thượng nghị sĩ John McCain, tù binh trong chiến tranh, đã đến gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nói rằng “Hai nước chúng ta không nên là kẻ thù, nên làm bạn”.
Nhiều người Mỹ – Việt đã nỗ lực hàn gắn những vết thương và xây dựng thời đại mới cho hai nước. Có những người như trung úy Hải quân giờ là ngoại trưởng John Kerry, nay đang có mặt ở đây. Đại diện tất cả tôi xin cảm ơn ngoại trưởng vì những cống hiến tuyệt vời. Chính bởi những người cựu chiến binh đã cho chúng ta thấy con đường đi và người dân đã cảm thấy rất phấn khích để tiếp tục mưu cầu hòa bình. Chúng ta trở nên gần gũi nhau hơn, thương mại tự do ngày càng tăng lên, các sinh viên, học giả cùng nghiên cứu với nhau.
Chúng tôi đã đón nhiều sinh viên Việt Nam hơn bất kỳ nước nào khác ở Đông Nam Á. Việt Nam cũng đón nhiều khách du lịch Mỹ hơn bao giờ hêt, khắp nơi trên 36 phố phường cổ Hà Nội, các cửa hàng ở Hội An, cố đô Huế. Người Việt và người Mỹ đều có thể ngâm nga bài hát của Văn Cao “Từ nay người biết quê người. Từ nay người biết thương người”. Với vai trò là tổng thống, tôi muốn tiếp tục những sự tiến bộ này của quan hệ hai nước và với quan hệ đối tác toàn diện của chúng ta ngày càng gần gũi hơn, chúng ta đang ngày càng hợp tác.
Mục tiêu của tôi trong chuyến thăm này là chúng ta xây dựng nền tảng ngày càng vững chắc hơn cho quan hệ hai nước trong nhiều thập kỷ tới. Trong một cách nào đó, lịch sử của chúng tôi đã bắt đầu với tổng thống Thomas Jerferson. Hơn hai trăm năm giờ đây đã dần viên mãn. Chúng ta đã mất rất nhiều năm để nỗ lực hàn gắn quan hệ. Chúng tôi muốn nói một điều mà chúng tôi không thể tưởng tượng được trước đây: ngày hôm nay, hai nước đã trở thành bạn bè, đối tác của nhau. Tôi tin tưởng rằng những kinh nghiệm của chúng ta sẽ là những bài học cho cả thế giới. Trong một thời điểm mà có những cuộc xung đột tưởng như không thể kết thúc, không giải quyết được thì giờ đây quan hệ của chúng ta đã cho thấy có thể tạo ra sự thay đổi, nếu chúng ta thay đổi tấm lòng. Một tương lai tốt đẹp hơn là điều khả thi nếu chúng ta không còn là tù nhân của quá khứ. Chúng ta đã minh chứng rằng hòa bình bao giờ cũng tốt đẹp hơn chiến tranh. Với sự tiến bộ, phẩm giá con người cần được thúc đẩy chứ không phải là chiến tranh hay xung đột. Đây là điều mà hai nước đã chỉ ra cho thế giới thấy.
Quan hệ đối tác giữa Mỹ với Việt Nam dựa trên những điều căn bản: Việt Nam là một nước có chủ quyền độc lập và không có quốc gia nào khác có thể áp đặt ý chí hay quyết định vận mệnh của người dân Việt Nam. Độc lập, chủ quyền ấy do người dân Việt Nam quyết định.
Mỹ rất quan tâm đến sự thành công của Việt Nam, nhưng mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam chỉ mới là giai đoạn khởi đầu.Tôi không còn nhiều thời gian nữa trong nhiệm kỳ của mình nhưng tôi mong muốn mình có thể đóng góp nhiều hơn cho quan hệ hai nước. Trước tiên, chúng ta cần hợp tác nhiều hơn để tạo ra và đem lại những cơ hội thịnh vượng thực sự cho người dân hai nước. Tôi hiểu những giá trị mới của nền kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21. Dòng vốn đầu tư và thương mại sẽ đổ về các nước có nền pháp quyền và có hành lang pháp lý đúng đắn bởi vì không ai muốn hối lộ để bắt đầu công việc kinh doanh, bởi không ai muốn đến trường hay buôn bán nếu họ không biết họ sẽ bị đối xử như thế nào. Nền kinh tế tri thức sẽ đổ vào các quốc gia nơi con người có quyền tự do suy nghĩ và trao đổi ý tưởng, và sáng tạo. Do vậy, phát triển thự sự không chỉ là khai thác kẻ khác nhưng cần đầu tư vào nguồn lực giá trị nhất là con người. Đó là những kỹ năng đào tạo và đầu tư vào những con người có tài năng, thay vì khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đây là những thế mạnh mà Mỹ có thể hợp tác với Việt Nam.
Ngày hôm qua như tôi đã thông báo, lực lượng gìn giữ hòa bình (Peace Corps) sẽ đến Việt Nam tập trung chủ yếu vào việc đào tạo tiếng Anh. Thế hệ trước của người Mỹ đến đây để chiến đấu, nhưng thế hệ sau của người Mỹ đã đến đây để dạy dỗ và đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị hai nước.
Các công ty công nghệ hàng đầu, đại học danh tiếng Mỹ đã đến Việt Nam để hợp tác, đào tạo về khoa học công nghệ, toán học, y tế…vì khi chúng tôi muốn chào đón nhiều công dân, thanh niên Việt Nam sang Mỹ thì chúng tôi cũng muốn thế hệ trẻ Việt Nam được hưởng nền giáo dục đẳng cấp toàn cầu ngay tại Việt Nam.
Do vậy, tôi rất vui mừng thông báo với các bạn, mùa thu năm nay đại học Fullbright sẽ đi vào hoạt động tại TPHCM. Đại học này phi lợi nhuận, chất lượng cao sẽ cung cấp nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam cho người nghèo. Các sinh viên, học giả, nhà nghiên cứu hai nước sẽ tập trung vào các lĩnh vực như chính sách công, quản trị doanh nghiệp, hợp tác trong các lĩnh vực máy tính, từ thơ của Nguyễn Du, triết học của Phan Chu Trinh tới lĩnh vực toán của GS Ngô Bảo Châu…
Chúng tôi mong muốn sẽ kết nối những doanh nghiệp trẻ Việt – Mỹ. Nếu có thể tiếp cận với công nghệ, kỹ năng mà người Việt cần thì sẽ không có gì là trở ngại với các bạn. Chúng tôi mong muốn khuyến khích cả phụ nữ Việt Nam, những người có tài năng để đảm bảo về bình đẳng giới ở Việt Nam. Từ thời đại Hai Bà Trưng đến nay, người phụ nữ Việt Nam luôn mạnh mẽ, tự cường và giúp cho đất nước Viêt Nam tiến lên phía trước. Và bằng chứng hiển nhiên là tôi nói điều này nơi nào trên thế giới tôi đến. Gia đình, cộng đồng và quốc gia sẽ cường thịnh hơn khi phụ nữ được bình đẳng cơ hội để thành công trong trường học, công sở và trong bộ máy chính phủ. Điều này luôn đúng ở bất kỳ đâu và kể cả ở Việt Nam.
Với tư cách là Tổng thống Mỹ, tôi ủng hộ mạnh mẽ TPP, bởi vì hiệp ước thương mại này sẽ giúp cho Việt Nam xuất khẩu nhiều sản phẩm hàng ra thế giới và giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều nhà đầu tư. TPP sẽ đòi hỏi phải cải cách để bảo vệ người lao động và nền pháp quyền trong nền kinh tế tri thức. Hoa Kỳ đã sẵn sàng để hỗ trợ Việt Nam bổ sung điều chỉnh cho phù hợp với những cam kết đã kí. Trong tư cách là tổng thống Hợp Chúng Quốc, tôi hết sức ủng hộ hiệp định thương mại này vì giúp các bạn có thể mua những hàng hóa chất lượng cao từ Hoa Kỳ. Hơn nữa, tôi ủng hộ TPP vì nó liên quan đến lợi ích chiến lược. Điều này sẽ giúp cho Việt Nam không phải phụ thuộc thương mại với quốc gia nào duy nhất và thụ hưởng lợi ích từ nhiều phía bao gồm cả Hoa Kỳ.
TPP cũng sẽ giúp tăng cường hợp tác vùng, giúp các bạn giải quyết các vấn đề bình đẳng kinh tế, thúc đẩy nhân quyền, giúp cho người lao động có lương cao và điều kiện lao động an toàn hơn. Trong thời gian gần nhất người lao động có thể tổ chức nghiệp đoàn độc lập, chống lao động cưỡng bức và lạm dụng lao động trẻ con. TPP thúc đẩy bảo vệ môi trường và nhất là góp phần nâng tiêu chuẩn chống tham nhũng trong các thỏa thuận thương mại. Đây là tương lai, hy vọng mà TPP mang lại cho chúng ta. Tất cả các quốc gia thành viên, Mỹ hay Việt Nam phải cam kết thực hiện các quy định mà TPP đặt ra.
Tất cả chúng ta phải nỗ lực vì sự thịnh vượng kinh tế và bảo đảm an ninh quốc gia. Điều này mang lại mục tiêu thứ hai mà chúng ta có thể hợp tác với nhau trong chương trình đào tạo an ninh chung. Trong chuyến thăm này của tôi hai bên đã nhất trí xây dựng niềm tin, tiếp tục công tác đào tạo, cung cấp thiết bị cho cảnh sát biển, năng lực bảo vệ hàng hải cũng như cứu trợ nhân đạo trong thiên tai. Hôm qua, tôi đã tuyên bố Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh hoàn toàn cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, đảm bảo Việt Nam có thể có vũ khí cần thiết để đảm bảo an ninh. Chúng tôi mong muốn thể hiện rõ cam kết bình thường hóa toàn bộ quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam.
Thế kỷ 20 đã dạy cho tất cả chúng ta, không chỉ Việt Nam một trật tự quốc tế và an ninh chung phụ thuộc lẫn nhau. Chúng ta xây dựng thông lệ chung tất cả quốc gia đều là quốc gia có chủ quyền, dù lớn hay nhỏ phải được tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ. Các nước lớn không được bắt nạt các nước nhỏ hơn, việc giải quyết các tranh chấp cần tiến hành hòa bình. Các thể chế như ASEAN và Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á cần được củng cố. Đó là điều mà chúng tôi tin tưởng và ủng hộ.
Các biện pháp hòa bình và liên kết vùng như ASEAN cần được tiếp tục củng cố như niềm tin của tôi, niềm tin của Hoa Kỳ. Đây là điều chúng tôi tuyên bố khi đến thăm Lào đầu năm nay.
Ở Biển Đông, chúng tôi không phải là một bên tranh chấp, nhưng chúng tôi khẳng định và đề cao quyền tự do hàng hải và hàng không; tự do thương mại không bị ngăn trở; giải quyết các tranh chấp thông qua pháp lý và luật pháp quốc tế. Nước Mỹ sẽ đưa tàu và máy bay di chuyển ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, và ủng hộ quyền của các nước khác hành động như vậy.
Cho dù mối quan hệ hợp tác của chúng ta có gần gũi như thế nào, một trong các điểm quan trọng trong quan hệ đối tác của chúng ta là giải quyết sự khác biệt giữa các chính quyền về nhân quyền.
Tôi nói điều này bởi không có quốc gia nào hoàn hảo. Sau 2 thế kỷ lập nước, chúng tôi vẫn đang phải cố gắng đạt được những ý tưởng chúng tôi đã đề ra khi chúng tôi lập quốc, như cắt giảm ngân sách cho chính trị, sự gia tăng bất bình đẳng về kinh tế, phân biệt chủng tộc trong hệ thống tư pháp, bất bình đẳng thu nhập giữa nam và nữ. Tất nhiên chúng tôi vẫn nhận được sự phê bình. Ngày nào chúng tôi cũng nhận được phê bình, tôi thề là tôi và chính phủ bị chỉ trích mỗi ngày. Nhưng những lời chỉ trích cằn nhằn đó mở ra các tranh luận cởi mở giúp chúng ta nhìn nhận sự chưa hoàn hảo và cho phép mọi người có tiếng nói. Những phê bình này giúp chúng tôi phát triển lớn mạnh hơn, thịnh vượng và công bằng hơn. Việc mọi người có quyền đưa ra lời phê phán thì chính là điều giúp xã hội tiến bộ hơn.
Như tôi đã nói trước, Hoa Kỳ không muốn áp đặt mô hình chính quyền của mình cho Việt Nam. Chúng tôi tin rằng giá trị Hoa Kỳ mà tôi nói là giá trị phổ quát của nhân loại được Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Quát đề cập và chúng được nêu trong Hiến pháp Việt Nam. Hiến pháp đó khẳng định mọi công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do tụ tập, tự do lập hội và tự do biểu tình. Đây là những điều đã được quy định trong hiến pháp Việt Nam.
Tôi xin chia sẻ một số điểm theo quan điểm về vấn đề này. chúng ta đang cố áp dụng những nguyên tắc bảo đảm rằng các giới chức chính quyền phải thực sự thấm nhuần những ý tưởng này. Trong những năm gần đây Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa cam kết cải thiện luật pháp cho phù hợp với hiến pháp mới của mình và các chuẩn mực luật pháp quốc tế, và gần đây đã thông qua luật mà chính quyền hạn chế thông tin. Và như tôi nói Việt Nam đã cam kết cải cách kinh tế và lao động theo quy định của TPP. Đây là những bước tiến tích cực và tương lai của Việt Nam sẽ được người dân Việt Nam quyết định. Mọi quốc gia phải lược hóa lộ trình của mình.
Hai nước của chúng ta có sự khác biệt về truyền thông, hệ thống chính trị và văn hóa. Nhưng như một người bạn của Việt Nam tôi xin được nêu ra lý tưởng của mình khi tin rằng tại sao Việt Nam lại thành công hơn khi các quyền phổ quát được tôn trọng. Khi có quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do chia sẻ ý tưởng, và tiếp cận internet và các mạng xã hội mà không bị giới hạn, thì đó là nguyên liệu cần để thúc đẩy sáng tạo mà nền kinh tế cần có để phát triển. Đó là cách mà facebook bắt đầu. Đó là cách các công ty lớn đã phát triển khi ai đó có ý tưởng khác nhau được đưa ra chia sẻ. Khi có quyền tự do báo chí, các nhà báo và blogger có thể chiếu sáng vào những bất công và vi phạm. Đó là cách bắt các công chức phải chịu trách nhiệm và xây dựng niềm tin chung rằng hệ thống làm việc có hiệu quả. Khi các ứng viên được chạy đua tranh cử và các cuộc bầu cử diễn ra tự do thì cử tri có quyền lựa chọn lãnh đạo cho mình trong các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Điều đó làm cho đất nước ổn định hơn bởi người dân biết tiếng nói của mình có giá trị và sự thay đổi ôn hòa là khả thi. Và họ có thể đưa người lãnh đạo mới vào hệ thống. khi có tự do tôn giáo, không chỉ cho phép người dân diễn tả tình yêu thương và lòng trắc ẩn vốn là trung tâm điểm của mọi tôn giáo nhưng còn cho phép các nhóm tôn giáo phục vụ cộng đồng mình qua các trường học, bệnh viện, chăm sóc người nghèo, người yếu đuối.
Khi có tự do tụ tập, khi công dân có quyền tự do lập hội trong một xã hội dân sự, thì chính quyền có thể dễ dàng xử lý vấn đề của mình hơn và mà đôi khi tự nó không thể giải quyết.
Đó là quan điểm của tôi khi thực hiện các quyền này thì không phải là một sự đe dọa cho sự ổn định nhưng thực sự thúc đẩy sự ổn định và là nền tảng để tiến bộ.
Sau cùng, nó là khao khát có được những quyền đó vốn được tạo cảm hứng từ những con người khắp nơi trên thế giới và ngay cả tại Việt Nam nhằm ném đi chủ nghĩa thực dân. Tôi tin rằng việc thực hiện những quyền này là cách để độc lập đầy đủ nhất mà rất nhiều người mong ước, bao gồm cả ở đây, nơi một đất nước tuyên bố mình là “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. Việt Nam sẽ làm khác hơn so với Hoa Kỳ. Và chúng ta phải làm khác đi so với các quốc gia khác trên toàn thế giới. Nhưng đó là nguyên tắc căn bản mà tôi nghĩ là chúng ta phải cố đạt và cải thiện.
Khi tôi nói những điều này như một người sắp rời nhiệm sở, người được hưởng lợi từ quá trình làm việc 8 năm thể hiện qua cách mà hệ thống chúng tôi làm việc và tương tác với các quốc gia trên toàn thế giới muốn cải thiện hệ thống của mình.
Cuối cùng tôi nghĩ rằng đối tác của chúng ta có thể đáp ứng các thách thức toàn cầu mà không quốc gia nào có thể tự mình giải quyết. Nếu chúng ta bảo đảm sự lành mạnh cho người dân và vẻ đẹp của hành tinh này, thì sự phát triển sẽ bền vững.
Về thách thức toàn cầu, Việt Nam cần bảo vệ các nơi như Vịnh Hạ Long, Sơn Đòng vì tương lai con cháu chúng ta. Nước biển tăng sẽ làm ảnh hưởng đến các vùng ven biển và như một đối tác với Việt Nam chống lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Việt Nam cần hoàn thành đầy đủ cam kết Paris. Ta cần giúp người nông dân và các làng mạc, cũng như người dân chống lại ảnh hưởng vùng ngập mặn như đồng bằng sông Cửu Long – nơi cung cấp thực phẩm lớn cho thế giới và nuôi sống thế hệ tương lai. Chúng ta cũng phải giúp đỡ cho các nước để xây dựng năng lực về nhiều vấn đề như cải thiện y tế, chống lại các đại dịch ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Mỹ vui mừng khi đã giúp đỡ Việt Nam tham gia hơn nữa nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Đặc biệt hai nước trước đây tham gia chiến trận, nhưng giờ cùng hợp tác bảo vệ hòa bình. Việt Nam và Mỹ cần nỗ lực hơn nữa trong việc tăng cường đối thoại song phương. Một sự hợp tác giúp định hình môi trường quốc tế theo cách tích cực. Những gì tôi nói hôm nay không xảy ra qua một đêm hay là không thể thay thế. Vẫn luôn có những cản trở và sự tụt hậu trên hành trình. Sẽ có những khi ta hiểu lầm. Sự hợp tác này cần nỗ lực bền bỉ và đối thoại thực chất từ cả hai phía nhằm liên tục thay đổi.
Nhìn vào lịch sử, thách thức mà chúng ta vượt qua, tôi lạc quan vào tương lai của quan hệ hai nước chúng ta. Niềm tin tôi là nhờ nền tảng dựa trên tình hữu nghị và cảm hứng chung của người dân. Tôi nghĩ về những người Mỹ hay Việt Nam đã vượt đại dương bao la, có người được đoàn tụ với gia đình sau hàng thập kỷ và hay như Trịnh Công Sơn sáng tác ca khúc “nối vòng tay lớn” để mở tấm lòng của mình ra để nhận ra nhân tính chung nơi mỗi người.
Tôi nghĩ rằng bất kỳ người Mỹ gốc Việt thành công nào, dù là bác sĩ, nhà báo, thẩm phán, giới chức công vụ. Một trong số họ, người được sinh ra ở đây, viết thư cho tôi “tạ ơn Chúa, tôi được sống “giấc mơ Mỹ”. Tôi tự hào là một người Mỹ, nhưng tôi cũng rất tự hào là một người Việt Nam”. Và ngày hôm nay ông ấy trở về đây để “cải thiện cuộc sống của người Việt Nam”. Tôi nghĩ về một thế hệ người Việt mới, rất nhiều người trẻ đang ở đây, những người sẵn sàng để lại dấu ấn trên toàn thế giới, và tôi muốn nói với người trẻ đang lắng nghe đây: tài năng, động lực, ước mơ của bạn, trong những thứ đó, Việt Nam có mọi thứ cần để tiến tới. Tương lai nằm trong tay các bạn. Đây là thời điểm của bạn. Và nếu bạn theo đuổi tương lai mình muốn, tôi muốn bạn biết rằng Mỹ luôn là đối tác và người bạn của các bạn.
Sau này, khi các bạn trẻ cùng học tập, cùng phối hợp sáng tạo và kinh doanh với nhau, hãy nhớ tôi ủng hộ sự an toàn, thăng tiến nhân quyền và bảo vệ hành tinh này cùng với nhau. Tôi muốn các bạn nghĩ lại thời điểm này hi vọng vào tầm nhìn mà tôi đưa ra hôm nay. Hay nếu tôi có thể nói cách khác như các bạn biết rõ về Truyện Kiều, Nguyễn Du đã nói: “Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi”.
Paul Minh Nhật,
GNsP